Thực thi Kế_hoạch_Marshall

Xây dựng ở Tây Berlin với sự giúp đỡ của Kế hoạch Marshall, sau năm 1948. Trên tấm bảng ghi: "Chương trình khẩn cấp Berlin - với sự giúp đỡ của kế hoạch MarshallHàng viện trợ của Hoa Kỳ sang Hy Lạp theo Kế hoạch Marshall

Khoản viện trợ lớn đầu tiên được chuyển cho Hy LạpThổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1 năm 1947, đây là các quốc gia được coi như tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, và vốn đã được trợ giúp dưới Học thuyết Truman. Ban đầu Anh hỗ trợ cho các phe phái chống cộng tại các quốc gia trên, nhưng do bản thân cũng phải đương đầu với tình hình kinh tế khó khăn, họ phải nhờ đến Hoa Kỳ để tiếp tục các nỗ lực của họ. ECA bắt đầu chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 1948. Nhiệm vụ chính của nó, theo tôn chỉ, là thúc đẩy nền kinh tế châu Âu: gia tăng sản lượng, hỗ trợ đồng tiền các quốc gia châu Âu, mở mang giao thương quốc tế, đặc biệt là với Mỹ, vì lợi ích của nền kinh tế Hoa Kỳ đòi hỏi các quốc gia Âu Châu phải trở nên thịnh vượng để có thể nhập cảng hàng hóa của Mỹ. Một mục tiêu không chính thức khác của Ủy ban Hợp tác Kinh tế (ECA), và Kế hoạch Marshall, là kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Liên Xô tại châu Âu, đặc biệt là sự lớn mạnh của các đảng cộng sản tại các quốc gia như Tiệp Khắc, Pháp và Ý.

Tiền từ Kế hoạch Marshall được chuyển cho chính phủ các quốc gia Âu châu. Các quỹ này được đồng quản trị bởi chính quyền sở tại và ECA. Tại mỗi thủ đô các nước châu Âu đều có một phái đoàn ECA, bao gồm những thương gia Hoa Kỳ có vai vế, nắm nhiệm vụ cố vấn trong quá trình thực hiện. Người ta khuyến khích hợp tác phân phối các quỹ hỗ trợ, và tổ chức các hội thảo với các lãnh đạo công đoàn để giám sát nền kinh tế, xem xét những nơi cần được hỗ trợ.

Các khoản hỗ trợ từ Kế hoạch Marshall được phần lớn sử dụng mua hàng hóa từ Mỹ. Các quốc gia châu Âu gần như đã khánh kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ trong thời chiến, và tiền từ Kế hoạch Marshall gần như là nguồn tài chính duy nhất mà họ có được để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Ban đầu, đồ nhập khẩu bao gồm chủ yếu là những nhu yếu phẩm như lương thực và xăng dầu, nhưng về sau, hàng hóa chuyển sang các vật tư thiết yếu cho quá trình tái thiết, như mục tiêu ban đầu vạch ra. Những năm về sau, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ và sự bùng phát của Chiến tranh Triều Tiên, một lượng lớn viện trợ được dùng để tái vũ trang quân đội các quốc gia Tây Âu. Trong khoảng 13 tỷ đô la được dành ra cho tới giữa năm 1951, 3,4 tỷ đô la được dùng để nhập nguyên liệu thô và hàng bán thành phẩm; 3,2 tỷ đô la dành cho lương thực, thực phẩm và phân bón; 1,9 tỷ mua máy móc, xe cộ và thiết bị; 1,6 tỷ cho xăng dầu.[34]

Người ta cũng lập ra các quỹ đối ứng, sử dụng viện trợ từ Kế hoạch Marshall để thiết lập các quỹ tiền tệ bản xứ. Theo các nguyên tắc của ECA, 60% các quỹ đó phải được dùng để đầu tư vào công nghiệp. Điều này rất đáng chú ý tại Đức, nơi các quỹ do chính phủ quản lý đóng một vai trò quan trọng trong việc cho các công ty tư nhân vay tiền để tiến hành tái thiết. Các quỹ này đóng vai trò trung tâm trong việc tái công nghiệp hóa nước Đức. Ví dụ như trong những năng 1949-1950, 40% các khoản đầu tư cho công nghiệp than ở Đức đến từ các quỹ này.[35] Các công ty có nghĩa vụ hoàn trả các khoản vay lại cho chính phủ, và số tiền này sẽ được đem cho một ngành kinh tế khác vay. Quá trình này được tiếp tục cho đến ngày nay dưới sự quản lý của ngân hàng nhà nước KfW. Quỹ Đặc biệt này, khi đó được quản lý bởi Bộ Kinh tế Liên bang, trị giá tới hơn 10 tỷ mark Đức năm 1971. Năm 1997, nó lên tới 23 tỷ mark. Nhờ vào hệ thống cho vay quay vòng, quỹ này cho tới năm 1995 đã có thể dành các khoản vay lãi xuất thấp cho người dân Đức với tổng trị giá lên tới 140 tỷ mark. Khoảng 40% còn lại của quỹ đối ứng được dùng để trả nợ, bình ổn tiền tệ, hoặc đầu tư vào các chương trình phi công nghiệp. Nước Pháp sử dụng các quỹ đối ứng này rộng rãi nhất, dùng chúng để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tại Pháp và hầu hết các quốc gia khác, nguồn tiền từ các quỹ đối ứng được gộp vào tổng thu ngân sách nhà nước, chứ không được dùng để quay vòng vốn như ở Đức.

Một chương trình ít tốn kém hơn rất nhiều, mà cũng hết sức hiệu quả, do ECA đề ra, là Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật. Chương trình này tài trợ cho các nhóm kỹ sư và các nhà công nghiệp châu Âu du lịch Hoa Kỳ, tham quan hầm mỏ, nhà máy, lò luyện kim... để họ có thể bắt chước các tiến bộ mà Hoa Kỳ đã đạt được khi trở về nước. Cùng thời gian, hàng trăm chuyên viên kỹ thuật Hoa Kỳ cũng được gửi sang châu Âu để hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kế_hoạch_Marshall http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/03/d... http://www.commentarymagazine.com/Summaries/V89I1P... http://news.enquirer.com/apps/pbcs.dll/article?AID... http://books.google.com/books?id=WDgBBzWQ2DAC&pg=P... http://www.nationsencyclopedia.com/Europe/Finland-... http://www.time.com/time/archive/preview/0,10987,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9...